Hàng chục dự án nhà ở xã hội trên cả nước đã được khởi công hoặc phê duyệt. Đằng sau những con số tưởng như đáng mừng đó lại là một diễn biến khác, đầy thách thức trong phát triển nhà ở xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Cùng NhaTop1 tìm hiểu bài viết sau đây nha.
Cột Mốc Đầy Thách Thức
Từ đầu năm 2023 đến nay, trong khi nguồn cung bất động sản mới ở nhiều phân khúc, loại hình vô cùng nhỏ giọt thì nhà ở xã hội liên tiếp đón tin vui trên cả nước với nhiều dự án được phê duyệt, khởi công.
Cụ thể, có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội với 53 dự án. Con số 53 này hứa hẹn sự dồi dào của nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong tương lai.
Thế nhưng, số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại cho thấy gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ mới chỉ giải ngân được khoảng 100 tỷ đồng. Trong khi tổng nhu cầu vay vốn của 53 dự án trên là 27.000 tỷ đồng. Trên thực tế, dù đã có nhiều dự án nhà ở xã hội được công bố, đăng kí tham gia chương trình nhưng mới chỉ có 3 dự án thuộc 3 tỉnh thành được giải ngân với khoảng 105 tỷ đồng.
Được biết, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội,” đến năm 2030 do Chính phủ ban hành đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 1,06 triệu căn nhà ở xã hội trên cả nước. Trong đó, riêng giai đoạn 2021-2025 cần hoàn thành khoảng 428 nghìn căn. Với tốc độ giải ngân như hiện tại, việc cán đích mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 còn rất nhiều thách thức, khó khăn, chưa kể cái đích hơn 1 triệu căn của năm 2030.
Thừa nhận thực tế trên, ông Nguyễn Hoàng Nam, Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Chúng ta khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội, nhưng dự án mở bán không nhiều, dự án bàn giao còn ít nữa. 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ cần nỗ lực rất lớn để cán mốc vào năm 2030”.
Trong bối cảnh giá căn hộ chung cư tại các thành phố vốn cấp thiết về nhu cầu nhà ở như Hà Nội, TP.HCM vẫn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại thì nhà ở xã hội là giải pháp duy nhất về an cư của người dân tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, những con số thực tế triển khai lại khiến người dân lo ngại giấc mơ an cư vẫn còn xa xôi.
Nhà Ở Xã Hội: Nhiều Điểm Nghẽn Trong Quá Trình Triển Khai
Không chỉ thách thức về vấn đề giải ngân nguồn vốn, ông Lê Văn Nghĩa – Trưởng ban quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp vẫn đối mặt những thách thức đã được đề cập rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được tháo gỡ rốt ráo.
Cụ thể, đó là vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Nếu các điểm nghẽn này không được giải quyết thì mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2023 sẽ khó thành hiện thực. Các vướng mắc đang kéo dài và làm chậm quá trình đầu tư, xây dựng cũng như phát triển dự án. “Để thúc đầy phát triển nhà ở xã hội nhanh hơn, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý chính sách, cơ chế linh hoạt để kịp thời giải quyết được những bất cập hiện nay”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ cụ thể hơn những khó khăn trong quá trình phát triển nhà ở xã hội mà doanh nghiệp phải đối mặt. Hiện cơ chế pháp luật liên quan đến phân khúc này rất phức tạp. Đơn cử, việc xin cấp phép xây dựng dự án thậm chí khó khăn và cần nhiều thời gian hơn dự án nhà ở thương mại. Các doanh nghiệp phải mất 2 năm để “ra" được giấy phép xây dựng cho một dự án nhà ở xã hội. Theo quy định, nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng để được “miễn” khoản này thì trước đó, các dự án phải trải qua cả một quá trình với rất nhiều khâu. Trước hết là khâu định giá đất, kế đó, chủ đầu tư phải tự ứng trước tiền để giải phóng mặt bằng.
Sau 2 năm làm thủ tục , dự án nhà ở xã hội mất thêm khoảng 2 năm để xây dựng và bàn giao nhà cho khách hàng. Đáng nói, chủ đầu tư vẫn phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Tổng cộng các khâu này sẽ kéo dài lên tới 9 năm, dự án mới được kiểm toán. Chỉ khi dự án được kiểm toán xong, doanh nghiệp mới được nhận khoản lợi nhuận cố định 10% theo quy định của nhà nước.
Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nhiệp nhà ở xã hội cũng rất nhiều thách thức khi thực tế gói 120 nghìn tỷ mới chỉ giải ngân được khoảng 100 tỷ cho 3 dự án. Trong khi đó, doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào vốn của các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp bởi khu đất để xây và phát triển nhà ở xã hội bị định giá 0 đồng do ưu đãi được miễn tiền sử dụng đất.
“Bởi các thách thức trên mà doanh nghiệp không mặn mà làm nhà ở xã hội. Doanh nghiệp nào làm mảng này thì giống như đánh một canh bạc hên xui. Nếu những khó khăm, vướng mắc không sớm được tháo gỡ thì đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội rất khó có thể đạt được mục tiêu đề ra”, ông Nam nhấn mạnh.
Nguồn bài viết: Sưu tầm